5 sai lầm 'chết người' của HLV Troussier khiến ĐT Việt Nam trả giá

DJ

March 25, 2024 · 6 min read

5 sai lầm 'chết người' của HLV Troussier khiến ĐT Việt Nam trả giá
Bóng Đá | March 25, 2024
Thất bại liên tiếp trên mọi đấu trường của HLV Troussier đến từ những sai lầm của vị thuyền trưởng người Pháp.

(Mansion Sports News) – ĐT Việt Nam đã không thắng ở 9/10 trận gần nhất trên mọi đấu trường. 3 điểm có được trước Philippines là lần duy nhất thầy trò Troussier giành chiến thắng ở các trận đấu chính thức dưới quyền vị HLV này. ĐT Việt Nam cũng tụt 7 bậc trên BXH FIFA xuống vị trí 112, không còn là đội bóng mạnh nhất Đông Nam Á. Rõ ràng, những sai sót của vị HLV người Pháp là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả này.

Tin tưởng sức trẻ thay vì kinh nghiệm

Xu hướng trẻ hóa là điều ông Troussier luôn thực hiện ở mọi đội bóng mà ông dẫn dắt. Ông đã thành công với điều đó tại ĐT Nhật Bản, với niềm tin vào lứa của Shunsuke Nakamura. Tuy nhiên, công thức ấy không được áp dụng thành công ở các đội bóng khác. Đặt niềm tin vào các cầu thủ trẻ là cần thiết, nhưng với điều kiện họ có những người đàn anh đá bên cạnh để kèm cặp và hướng dẫn. 

Hình ảnh Hùng Dũng khởi động mà không được vào sân trước Indonesia đại diện cho cách dùng những cựu binh của HLV Troussier. Trước Indonesia ở lượt đi hôm 21/3, thậm chí Quang Hải còn không được đá phút nào, trong bối cảnh đội đang cần một tiền vệ giàu sức sáng tạo trên sân. 

Ngay cả những cầu thủ chất lượng như Tấn Tài, Văn Thanh, Văn Toàn, Tiến Linh cũng không được ra sân dù hoàn toàn khỏe mạnh. Thay vào đó, niềm tin được đặt vào Đình Bắc, một cầu thủ không được đá chính tại CLB Quảng Nam. Các cầu thủ trẻ không đủ kinh nghiệm để đưa ra quyết định sáng suốt trên sân trong những khoảnh khắc khó khăn. Điển hình là sai lầm của Minh Trọng và Tuấn Tài trên sân Bung Karno. Trong khi đó, các cầu thủ đã khẳng định tên tuổi lại bị cất bên ngoài đường biên.

Xóa bỏ di sản của người tiền nhiệm

Khi tiếp quản chiếc ghế của HLV Park Hang Seo, ông Troussier có trong tay 1 lứa cầu thủ giàu kinh nghiệm chinh chiến ở cấp châu lục, đồng thời sở hữu tâm lý chiến thắng tuyệt vời. Tuy nhiên, vì muốn khẳng định dấu ấn cá nhân, ông Troussier đã “đập đi xây lại” toàn bộ cấu trúc đang có sẵn trước đó. 

Thay vì cách chơi phòng ngự chắc chắn, HLV Troussier lại chú trọng hơn ở khâu kiểm soát bóng. Hệ quả là ĐT Việt Nam đã thủng lưới 22 bàn trong 10 trận gần nhất, tức trung bình 2.2 bàn/trận. Dưới thời HLV Park Hang Seo, ĐT Việt Nam chỉ thua đậm nhất là 0-4 trước Úc tại vòng loại World Cup 2022. Trong khi đó, HLV Troussier lại chứng kiến các học trò thua Hàn Quốc 0-6 trong một trận giao hữu.

Ngay cả các trụ cột thời ông Park như Hùng Dũng, Quang Hải, Ngọc Hải, Hoàng Đức, Văn Toàn, Văn Thanh cũng ít khi được HLV người Pháp ngó ngàng tới. Thay vào đó, ông đặt niềm tin vào các cầu thủ từng làm việc với mình ở lứa U19 Việt Nam năm 2019. 

HLV Troussier không tin tưởng vào các cựu binh

Đối đầu với truyền thông và người hâm mộ

Một sai lầm khác của HLV Troussier là việc phát ngôn nông nổi trong họp báo. Vị HLV này thường xuyên giữ trạng thái đối đầu với giới truyền thông Việt Nam. Ông từng yêu cầu không nhận câu hỏi từ phóng viên Việt khi tham dự Asian Cup vừa qua. Thậm chí, ông còn tuyên bố “80% người Việt Nam không muốn tôi thành công”. Trong khi đó, HLV Troussier lại niềm nở bắt tay với các cầu thủ Indonesia, dù chúng ta vừa thua ngay tại Bung Karno, và bỏ qua các CĐV đã bay từ Việt Nam sang cổ vũ đội tuyển.

Nhìn lại thời HLV Park Hang Seo, chiến lược gia người Hàn Quốc luôn giữ thái độ điềm đạm với cánh phóng viên. Dù có người thích hay không thích, ông Park luôn bắt tay và chào hỏi cánh phóng viên tác nghiệp, đặc biệt là ở những giải đấu xa nhà. Nếu có thái độ cứng rắn, ông luôn thể hiện điều đó với trọng tài hoặc đối thủ, chứ không bao giờ xuất hiện cảnh “gà nhà đá nhau”. Đó là lý do buổi fan meeting của HLV người Hàn Quốc năm ngoái có rất đông CĐV đến tham dự, dù ông Park đã chia tay ĐT Việt Nam khi đó.

Ứng biến chiến thuật yếu kém

Tài năng của HLV Troussier là không cần bàn cãi. Điều đó được thể hiện với những bằng cấp và chiến tích của ông trong quá khứ. Tuy nhiên, vấn đề tuổi tác khiến ông ứng biến rất chậm trong trận đấu. Ví dụ như trận gặp Indonesia. Trong khi HLV Shin Tae Yong có những sự thay đổi đầu hiệp 2 đem lại bàn thắng, thì HLV Troussier phản ứng thay người rất chậm, và cũng không đem lại hiệu quả đáng kể nào.

Các trợ lý của ông Troussier dường như không giúp đỡ được gì cho vị HLV người Pháp. Thậm chí, nhiều người trong BHL còn bị đánh giá là không đủ năng lực. Nhìn lại BHL mà ông Park mang sang Việt Nam, đó đều là những người giúp ích nhiều cho vị HLV người Hàn Quốc, như cánh tay phải Lee Young Jin về mặt chiến thuật, Park Sung Gyun về thể lực. Đó đều là những người giàu kinh nghiệm làm việc tại bóng đá Hàn Quốc. Trong khi dàn trợ lý của HLV Troussier hầu như không có kinh nghiệm làm việc đỉnh cao.

Các trợ lý ĐT Việt Nam hiện tại không giúp ích nhiều cho vị HLV này

Không thể truyền lửa cho học trò

Quan trọng nhất, vấn đề của HLV Troussier nằm ở việc ông không truyền được lửa cho các học trò. Mỗi khi đội bóng nhận bàn thua, người ta ít khi thấy chiến lược gia người Pháp đứng ở sát đường biên, hò hét và đốc thúc. Các trợ lý của ông cũng chẳng có động thái nào trong việc khích lệ các cầu thủ trên sân. 

Điều này ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của ông thầy người Pháp trong mắt khán giả và giới chuyên môn. Ở cấp ĐTQG, tinh thần mới là điều quan trọng nhất. Đó là yếu tố giúp những đội bóng yếu như Iceland (Euro 2016), Croatia (World Cup 2018), Đan Mạch (Euro 2020) hay Ma-Rốc (World Cup 2022) gây bất ngờ ở các giải đấu quốc tế. Thậm chí, ĐT Việt Nam cũng đã tạo tiếng vang ở các cấp độ châu lục cũng vì tinh thần quyết tâm chiến đấu ấy.