Đậu Văn Toàn: Trai phố cổ học làm 'người tử tế' từ bóng đá

Hồng Quang

August 08, 2024 · 8 min read

Đậu Văn Toàn: Trai phố cổ học làm 'người tử tế' từ bóng đá
Bóng Đá | August 08, 2024

Sinh ra ở một khu phố sầm uất ở Hà Nội, Đậu Văn Toàn có nhiều sự lựa chọn cho tương lai. Dẫu vậy, anh quyết định đặt niềm tin vào bóng đá.

Trò chuyện với Mansion Sports Việt Nam, tiền vệ Đậu Văn Toàn chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề bóng đá của một cậu trai phố cổ theo nghiệp đá bóng để học làm “người tử tế”.

Trai Hà Nội “ngàn năm văn vở”

“Tôi tự nhận mình là một người văn vở”, Đậu Văn Toàn (Đậu Toàn) – cầu thủ của Hà Nội FC hóm hỉnh mở đầu câu chuyện nói về hành trình của bản thân.

Khó nói cầu thủ sinh năm 1997 là ngôi sao của bóng đá. Thực ra, có phải ai theo nghiệp “quần đùi áo số” rồi cũng thành sao đâu. Nhưng ngôi sao nói gì, làm gì hay nghĩ gì thì Đậu Văn Toàn biết cả. Tiền vệ của CLB Hà Nội có duyên được ăn tập cùng thế hệ những cầu thủ xuất sắc bậc nhất của bóng đá Việt Nam.

Đậu Văn Toàn

Cộng thêm cái khiếu văn vở và thích suy ngẫm của mình, cậu trai phố cổ biến cuộc hành trình với bóng đá thành những trang sách trải nghiệm cuộc sống. Ở đó, có một câu nói của đàn anh về hai chữ “tử tế” được Đậu Toàn chọn làm kim chỉ nam cho cuộc đời bên quả bóng của mình.

“Ngày trước, tôi có thể tự hào là mình học giỏi môn văn. Hồi cấp 2, tôi… chém gió cực hay luôn. Điểm tổng kết môn Văn của tôi khi còn học trung học cũng đều mức trên trung bình khá. Con số ấy có thể với các bạn học sinh bình thường thì khiêm tốn. Nhưng với cầu thủ chúng tôi ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, điểm số ấy là được các cô khen rồi. Nhất là môn học lại là văn nữa”, Đậu Văn Toàn chia sẻ trong cuộc trò chuyện với Mansion Sports Việt Nam.

Trên sân, Văn Toàn là mẫu cầu thủ chiến binh, năng nổ, nhiệt tình, mạnh mẽ và cứng rắn. Tuy nhiên cách nói chuyện đời thường của cậu trai phố cổ lại chẳng cục mịch, không ăn to nói lớn chút nào. Thậm chí, cầu thủ 27 tuổi này có phần… hướng nội. Đến ngay cả việc lựa chọn một nơi để thư giãn của Đậu Toàn cũng phảng phất nét trầm mặc và sâu sắc.

Tiền vệ của CLB Hà Nội thực ra cũng không phải người ngại giao tiếp. Anh khá sôi nổi, vui tính, cởi mở và thân thiện. Tuy nhiên, Đậu Toàn vẫn giữ cho mình một góc riêng để lui về mỗi khi muốn “sống chậm”. Đấy là nơi những suy nghĩ “văn vở” bắt đầu hình thành trong dòng suy nghĩ về cuộc sống của chàng trai gốc Thủ đô này.

Đậu Văn Toàn

Từ phố cổ sang Gia Lâm

“Hành trình bóng đá của tôi đơn giản ý mà”, Văn Toàn nhấp ngụm cà phê bên vỉa hè, nhìn ra dòng người tấp nập qua lại rồi thả hồn mình về quá khứ, nơi bắt đầu đưa anh đến với môn thể thao vua.

“Tôi thực ra là một tay vợt tiếng tăm đấy nếu như không thường xuyên rơi vào cảnh… đứt lưới. Mỗi ngày, vợt của tôi đều hỏng. Không vì lưới bị rách thì cũng vì gậy bị vẹo. Chắc tại tôi vụt mạnh quá. Bố mẹ thấy hướng tôi đến cầu lông hơi tốn kém nên khuyên tôi thử sức với bộ môn thể thao khác tiết kiệm hơn. Vậy là tôi quyết định chọn bóng đá”.

Anh thẳng thắn xen chút pha trò: “Nói vui vậy thôi chứ tôi thích bóng đá thật. Hồi 11 tuổi, tôi đã ghim trong đầu về một Barcelona chơi rất hay. Đến giờ, tôi lại thích Man City. Nói chung là tôi không thích MU. Đội nào thắng MU là tôi thích cả”.

Nhận thức về việc trở thành một cầu thủ bóng đá hình thành ở Đậu Toàn trong những năm học cấp 1. Những trận đấu cho đội bóng của lớp, của trường, rồi lên quận, thành phố mang đến niềm vui và sự hãnh diện lớn, chẳng khác gì đi thi học sinh giỏi.

Đậu Văn Toàn

“Chúng tôi đá bóng đến mòn cả giày, cả dép. Bà chủ cửa hàng thể thao đến giờ vẫn còn hỏi vui là còn mua dép, mua giày của bà nữa không. Bởi riêng tôi, chuyện giày rách, dép đứt quai chắc là như cơm bữa lúc bấy giờ.

Tôi nhớ ở cấp trường, tôi vẫn đá tiền đạo. Hồi ấy, tôi hâm mộ anh Văn Quyến lắm. Nên tôi rất thích ghi bàn. Tôi là đầu tàu giúp cho lớp được á quân giải trường. Nhưng khi đá giải các quận, huyện với nhau thì tôi gặp phải đối thủ sừng sỏ.

Đó là đội xã Đa Tốn, Gia Lâm của Đình Trọng. Trọng hồi ấy cũng chơi tiền đạo chứ không phải thành danh ở vị trí trung vệ như bây giờ. Trọng đá ghê lắm. Đội Đa Tốn đi rất sâu trong giải cấp quận, huyện. Còn tôi thì vừa tức, vừa nể Trọng vì đá quá hay.

Sau này, tôi với Trọng đều lên tập trung ở Trung tâm tại Gia Lâm. Tưởng mình giỏi, lên đây mới biết toàn các bạn khủng. Lứa chúng tôi có Quang Hải được bầu làm đội trưởng. Từ lúc đấy đến giờ, Hải vẫn được miêu tả đúng bằng 2 từ thôi: Out trình. Giờ Hải vẫn thuộc diện kinh nhất lứa chúng tôi”.

Hành trình đến Trung tâm ở Gia Lâm của Đậu Toàn bắt đầu từ Trần Khát Chân, con phố chứng kiến cầu thủ này sinh ra và trưởng thành. Chiếc xe máy của bố đưa anh qua nhịp cầu Chương Dương, trước khi ra ngoại thành của Hà Nội.

“Ngày trước, chúng tôi làm gì được ở phòng điều hoà như các em bây giờ. Hành trang từ nhà đến Trung tâm của tôi lúc nào cũng là một chiếc quạt cây con con. Chúng tôi cũng không có tủ quần áo.

Đơn thuần, trung tâm hỗ trợ 1 chiếc hòm sắt, 1 cái khoá con con để cầu thủ chúng tôi xếp đồ đạc, tư trang cá nhân. Hình dung như anh em nhập ngũ vậy. Nhưng ngẫm lại quá khứ mà tôi cũng thấy vui. Mình trưởng thành như bây giờ cũng bắt đầu từ một thời tuổi trẻ đầy ắp kỷ niệm như thế”, Đậu Toàn nói.

Học làm người tử tế

“Trước khi trở thành cầu thủ lớn, hãy là một con người tử tế”. Đây là câu nói mà Đậu Toàn ghim vào trong đầu như một triết lý áp dụng từ cuộc sống đến sân cỏ. Người nói câu này là đàn anh Nguyễn Văn Quyết – khi đang kể chuyện cho các em nhỏ tại trung tâm bóng đá ở Bắc Giang.

“Tôi tin, nghề nào đi chăng nữa cũng cần sự tử tế. Tôi muốn tìm thấy điều đó thông qua nghề cầu thủ mà tôi đã chọn và quyết tâm đi đến cùng”, Đậu Toàn chia sẻ.

“Kiếm được tiền, sống bằng nghề, định danh cho bản thân cũng như đem lại niềm vui cho mọi người, cho gia đình là điều quan trọng hơn cả. Tôi chấp nhận đánh đổi, nhưng không phải dùng tiểu xảo, thủ đoạn hay bạo lực để tước đi cơ hội của người khác”.

Gần 10 năm chơi bóng chuyên nghiệp, có thể Đậu Toàn không phải một ngôi sao hạng A trên bản đồ túc cầu Việt Nam. Nhưng anh vẫn là trường hợp đặc biệt, khi là gương mặt hiếm hoi sinh ra và trưởng thành ở trung tâm Hà Nội nhưng vẫn một lòng một dạ sống bằng nghề cầu thủ đá bóng.

Thực tế, Đậu Toàn có nhiều lựa chọn trong định hướng tương lai, dựa trên điều kiện và hoàn cảnh gia đình như vậy. Nhưng anh vẫn quyết tâm định vị bản thân bằng nghề quần đùi áo số.

Đậu Văn Toàn

Cậu trai phố cổ tự nhận bản thân là người may mắn khi mọi quyết định với bóng đá đều được gia đình ủng hộ. Có lẽ chẳng mấy gia đình có điều kiện ở Thủ đô lại chấp nhận cho con mình theo nghề đá bóng.

“Bóng đá với tôi khởi đầu là đam mê. Dẫu vậy, để đi đường dài và trọn vẹn với bóng đá thì kiên trì là điều không thể tách rời.

Tôi nhìn thấy những cầu thủ ở các tỉnh, địa phương khác mà nể phục và học hỏi. Họ thật sự có ý chí và nghị lực nhiều hơn những cầu thủ gốc Hà Nội như tôi. Bản thân các cầu thủ cùng lứa với tôi cũng đã là một minh chứng như vậy. Xuất phát điểm có phần thiệt thòi hơn, cơ hàn hơn khiến họ có động lực, quyết tâm để thay đổi số phận bản thân. Họ cố được, tại sao mình, với những điều kiện còn thuận lợi hơn lại không thể cố gắng thêm?” Cầu thủ của CLB Hà Nội chia sẻ.