Hot girl của tháng: Đỗ Thị Ánh Nguyệt: Cô nàng mê Sơn Tùng MTP, tập bóng rổ cầm cây cung trăm triệu dự Olympic
Cầm trên tay cây cung nặng hơn 20kg, giá gần 100 triệu đồng, Đỗ Thị Ánh Nguyệt sẽ là một trong những niềm hy vọng của thể thao Việt Nam tại Olympic Paris sắp tới.
Cùng Mansion Sports Việt Nam đến với câu chuyện của Đỗ Thị Ánh Nguyệt – người được cộng đồng mạng đặt cho biệt danh “hot girl bắn cung”.
Cô nàng đanh đá
– Xin chào Ánh Nguyệt. Câu chuyện Hot girl of the month của Mansion Sports lần này bắt đầu từ tài khoản Facebook của bạn. Mình thấy có 2 tài khoản cùng tên là Đỗ Thị Ánh Nguyệt, một cái có biệt danh là “Đanh đá”.
– Tính cách của mình có vẻ hơi nam tính một chút. Khá là đanh đá. Mọi người cũng bảo mình đanh đá.
Ai mà làm gì mình là mình sấn sổ lên ngay. Thỉnh thoảng cũng hơi cáu bẳn một tí, nhưng giờ bớt bớt đi rồi nhưng mà có ai làm gì đến là mình không để yên đâu. Như vậy chắc là đanh đá.
Ngày xưa không được mọi người biết đến nhiều, mình hay đi cãi nhau trên mạng lắm, chửi nhau luôn. Đến khi mọi người biết đến nhiều rồi, mình phải hạn chế đi, bớt những ngôn từ không hay ở trên Facebook lại vì nó là hình ảnh của vận động viên Quốc gia.
Xem thêm
Tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Thùy Linh: ‘Thời gian không chờ đợi ai’
– Ánh Nguyệt từng dự Olympic Tokyo cách đây 3 năm. Sau giải đó, bạn trở nên “hot” trên mạng xã hội.
Các bạn gọi mình là “hot girl” thì cũng hơi ngại. Về nhan sắc mình tự thấy là không xinh. Nhưng sau đấy mình hiểu rộng hơn về từ “hot girl” và thấy rằng nó cũng dùng để mô tả những cô gái giỏi thể thao, có thành tích tốt. Mình coi đó là lời khen với bản thân.
Ban đầu mình khá là bất ngờ, cũng vui vì có nhiều người quan tâm và yêu quý, dành cho mình những lời động viên. Mình thấy hạnh phúc khi mọi người biết đến bắn cung nhiều hơn nữa.
– Nhưng nhiều quá thỉnh thoảng cũng hơi phiền phức.
Công nhận. Có những bạn fan hơi quá khích chút. Bạn ấy không nhắn tin được cho mình thì sẽ nhắn cho bạn bè, người thân của mình làm phiền. Có lúc em trả lời lại cho lịch sự thì các bạn ấy lại quấy rầy suốt ngày.
Mình cũng như mọi người, có cuộc sống riêng. Nhiều khi đang nghỉ ngơi mà cũng có người lạ gọi điện đến làm phiền.
Bên cạnh những lời khen thì cũng có lời chê nữa, có những câu từ mà đọc xong mình cảm thấy phẫn uất lắm, rất là tức. Tuy nhiên sau đấy mình cố để bản thân không để ý đến những thứ đó.
Xem thêm
Trần Thị Duyên: Hoài bão của hot girl đá bóng
– Trong thời gian rảnh mà không ôm điện thoại thì Ánh Nguyệt làm gì?
Mình hay đi cà phê với bạn bè, đi chơi với người yêu rồi lâu lâu về thăm gia đình.
Sở thích của mình trước đây là đi mua giày thể thao để sưu tầm. Có lúc lại chơi nước hoa, quần áo. Bây giờ mình đang sưu tầm mỹ phẩm và đồ dưỡng da.
Tiền thì thực ra mình không đếm đâu, nhưng có những lúc quá tay lên đến cả chục triệu. Tất nhiên là cũng có những tháng mình không chi đồng nào cả. Có những lúc mình săn sale, thấy rẻ xong mua rồi cộng dần vào thấy tài khoản bị trừ nhiều quá thì mới giật mình.
– Vậy là Ánh Nguyệt thích chơi đồ hiệu?
Hàng hiệu thì không có đâu, đôi giày tầm vài triệu thì có chứ hàng hiệu thì mình không đủ điều kiện. Kinh tế của vận động viên thể thao chỉ ở mức trung bình, đủ để chi tiêu hằng ngày thôi, chứ xài đồ hiệu thì không có đủ.
Mơ làm ca sỹ, thích Sơn Tùng MTP
– Nếu không theo bắn cung thì Ánh Nguyệt sẽ làm gì?
– Chắc là mình vẫn theo việc học hành ở nhà, thi lên cấp ba rồi đi học đại học thôi. Nói chứ nếu mà không theo bắn cung thì mình cũng không biết là sau này sẽ làm gì. Khi ấy mình chỉ nghĩ đến việc học đầu tiên thôi.
Mình không thuộc dạng học giỏi nhưng mà cũng gọi là học được Và cũng khá là chăm học đấy. Mình thích đi học nữa. Giỏi thì không chắc nhưng học sinh tiên tiến thì được.
Cuộc đời mình lâu lâu lại sinh ra nhiều ước mơ lắm. Bây giờ mình chỉ tập trung cho bắn cung thôi, cũng chưa suy nghĩ đến những vấn đề khác.
– Hình như Ánh Nguyệt có ước mơ làm ca sỹ.
– Hồi nhỏ mình rất thích hát, nhưng mà lớn lên thì mình thấy giọng chua phè phè. Mình không hợp với nghề ca sỹ cho lắm.
Hồi còn nhỏ, lúc đi học thì mình hay tham gia chương trình văn nghệ của trường lớp. Có ngày gì đó thì mình cũng tham gia diễn kịch, hát hò, nhảy múa.
Xem thêm
Hot girl bóng chuyền Nguyệt Anh: Cô nàng genZ mạnh mẽ vượt qua thách thức, khám phá bản thân
– Thần tượng ngày đó của bạn là ai?
– Chị Xuân Mai. Hồi bé bố mình toàn mua đĩa Xuân Mai cho nghe thôi nên mình thích chị Xuân Mai. Đến năm 2013 mình bắt đầu thích Sơn Tùng MTP.
Đến thời điểm hiện tại mình chưa có điều kiện để tham gia show của Sơn Tùng. Mình đang đợi Sky Tour mới để tham gia, vì đợt trước lại đúng lúc bọn mình đi tập huấn nên không đi xem được, rất là tiếc.
– Một người mơ làm ca sỹ, học hành không đến nỗi nào, lý do gì khiến Ánh Nguyệt rẽ sang thể thao?
Một phần là vì… giận dỗi gia đình. Nhà mình cũng không phải có điều kiện, nhưng mà tuổi trẻ thì bốc đồng. Mình thích đi học thêm mà gia đình không có điều kiện. Bố mẹ đã hứa rồi nhưng lại không cho mình đi học thêm nên mình rất là buồn, rất là giận.
Lúc đó mình bắt đầu… phá, nghịch, không nghe lời nữa. Lúc ấy, các thầy đến trường tuyển chọn, đúng đợt sắp thi cấp 3. Thầy thể dục hỏi mình có muốn theo thể thao không, vì trước đây có các thầy ở Hưng Yên muốn mình theo điền kinh rồi nhưng lúc ấy mình không đồng ý. Lần này mình đồng ý luôn.
– Ánh Nguyệt bắt đầu từ môn bóng rổ chứ không phải bắn cung.
Khi bắt đầu vào tập thể thao, mình không quen ai cả. Lần đầu tiên xa gia đình, ban đầu rất lạ lẫm. Bọn mình bắt đầu tập luyện với những bài nhẹ nhàng, xong đến những bài rất là mệt. Có khoảng thời gian mình nghĩ đang ở nhà chơi sướng mà đến đây tập những bài thể lực đấy rất mệt đấy thì chỉ muốn đi về. Có nhiều lúc bọn mình tập đến mức như ngất ở trên sân, thở không ra hơi.
Tập bóng rổ được 7 tháng thì mình nghe thấy thông tin là có bạn sẽ chuyển môn. Đáng lẽ là một em 2003 sẽ chuyển, nhưng em ấy không phù hợp với điều kiện của môn kia nên các thầy chuyển suất đó sang mình. Ban đầu mình khóc khá nhiều, rất buồn và chỉ muốn đi về, không muốn chuyển môn.
Các huấn luyện viên nói chuyện với mình, bảo rằng cứ thử đi bởi mình hợp môn đấy hơn thì tội gì không thử sức. Mình suy nghĩ, nhớ lại lời hứa với gia đình trước khi đi theo thể thao. Rồi mình quyết tâm là sẽ thử sức ở môn bắn cung.
– Từ một môn thể thao tập mệt đến ngất chuyển sang môn chỉ đứng một chỗ có sự khác biệt gì khiến cho Ánh Nguyệt cảm thấy bản thân phù hợp?
– Khi tập bóng rổ, bọn mình chỉ có chạy nhảy thôi. Sang bên này, ban đầu đứng một chỗ mình rất cuồng chân. Mình tăng liền 7-8 kg. Mà khi bắt đầu tập chỉ được luyện tay không, đứng một chỗ, di chuyển rất là ít. Mình bị cuồng chân tay lắm, cũng hơi khó chịu và chán.
Khó nhất của môn bắn cung là động tác. Những động tác của bọn mình là kiểu không duy trì lâu được, chỉ cần thay đổi một ngón tay hay cử động phần đầu thôi là có sai lệch. Nhịp áp sát chỉ lệch đi một ly một tí thôi thì cũng tạo ra thay đổi rất nhiều về điểm bắn, điểm rơi và điểm chạm của tên. Mình căn không chuẩn thôi là tên đi lệch hướng.
So với thời tập bóng rổ thì ở bên này mệt về đầu óc nhiều hơn. Nhưng thể lực của bắn cung cũng rất mệt. Khi chuyển sang bắn cung mình khóc nhiều hơn đấy. Tập bóng rổ mệt vẫn chịu được còn bây giờ vừa mệt về thể chất, vừa mệt về tinh thần. Cũng có những bài tập thể lực, nhưng mà liên quan đến tim nhiều hơn.
Ban đầu mình nghĩ là môn này chẳng mệt đâu, nhưng về sau lại mệt quá, đến mức phải khóc. Mỗi lần thầy cho giáo án nhẹ đi thôi là mình đã cảm thấy sung sướng lắm rồi.
Nhớ lại thời điểm mới rẽ sang thể thao vì giận bố mẹ, Ánh Nguyệt có hối hận không?
Không. Mình thấy lựa chọn của bản thân đến bây giờ rất đúng đắn. Không có thể thao, mình sẽ không được như bây giờ. Đi nhiều nơi, kiếm ra tiền và mở cho mình con đường mới, cuộc đời mới.
May quá, thầy đoán sai
– Ánh Nguyệt sắp tham dự Olympic Paris 2024 – là kỳ Thế vận hội thứ hai của riêng bạn. Không phải ai cũng làm được như thế. Cảm xúc của Nguyệt khi nghe tin này ra sao?
– Khi mà có bài báo đăng lên là mình có vé Olympic, chính đội mình cũng chưa nhận được thông tin. Theo tính toán của thầy thì mình không có suất dự Olympic. Mọi người bảo Nguyệt ơi mày có vé rồi này, mình và các thầy bảo báo đăng linh tinh đấy.
Về xếp hạng, mình vẫn có khả năng được dự Olympic nhưng kết thúc giải đấu cuối cùng, khi các thầy tính sơ bộ kết quả thì mình chỉ đứng hạng 6. Phải hạng 1-5 mới được đi Olympic. Mình chỉ đứng thứ 6 thôi nên hết cơ hội rồi, nhưng trong lòng vẫn hy vọng là tính toán sai. Cuối cùng các thầy tính sai thật.
Mọi người ở nhà cũng sốt sắng, lúc nào cũng hỏi mình có vé Olympic chưa. Ban đầu mình chưa được nên là buồn lắm, không muốn nghe điện thoại từ nhà gọi sang. Đến khi được rồi, mình hét lên sung sướng.
– Có suất dự Olympic rồi, tiếp theo là gì? Ánh Nguyệt có nghĩ rằng chưa thi đấu đã biết thua rồi thì mình sẽ làm gì không?
– Mình vẫn cứ tập luyện để đi thi đấu theo giáo án bình thường thôi.
Olympic thì khả năng mình có huy chương là rất thấp, vì hội tụ những vận động viên hàng đầu thế giới. Ở môn bắn cung, có rất nhiều người giỏi hơn mình. Đến được đó dể học hỏi cũng là niềm hạnh phúc và vinh dự đối với bản thân mình.
Thi đấu thì có thắng, có thua. Bắn cung Việt Nam chỉ mới phát triển thôi. Cạnh tranh huy chương Olympic thì rất khó.
Nhưng mà trong thi đấu thì không thể không có sự bất ngờ được. Chẳng ai nói trước được gì cả. Có huy chương hay không thì làm sao biết trước được. Có thì vui, không thì vẫn là bài học quý giá.
– Những năm gần đây sự nghiệp của Ánh Nguyệt chưa được bật lên như kỳ vọng. Có căng thẳng không, khi bạn sắp bước vào giải đấu lớn là Olympic?
– Mình từng có lần sợ không dám bắn ở giải trong nước. Cả giải chỉ giành được một huy chương đồng, thành tích so với thông thường rất kém. Một vận động viên bắn cung mà lại sợ bắn thì sau này còn có thể theo được nghề không? Lúc ấy mình khá buồn.
Lúc đấy có lẽ là áp lực thành tích lớn quá. Bản thân mình bị “găm” điểm. Mỗi lần như thế, mình bắn không tự tin nữa. Mình sợ những thứ rất nhỏ nhặt. Nỗi sợ đấy càng ngày càng lớn thêm. Mình không dám bắn tên ra, rồi không dám kéo dây nữa.
Sự kỳ vọng của mọi người thì mình chưa để ý lắm, nhưng chính mình cũng tự tạo áp lực bằng sự kỳ vọng vào bản thân quá nhiều. Mình yêu cầu ở bản thân cao quá, nên tự nhiên sẽ gây ra vấn đề tâm lý.
Cũng chính vì thế mà thành tích của mình có giai đoạn đi xuống. Không phải mình không làm được, mà tự mình làm mình áp lực nên bắn không được tốt. Mình đang cố gắng để thay đổi.
Nói thật là mỗi khi căng thẳng, mình mất đi sự tự tin. Bây giờ mình vẫn chưa hoàn toàn lấy lại được sự tự tin ấy. Có lúc tưởng như được rồi thì chỉ một vấn đề nhỏ xíu thôi lại làm mình mất tự tin. Mình đang cố gắng để làm sao vượt qua được những nỗi sợ.
Còn chưa đến một tháng là đến Olympic. Mình phải cố gắng làm sao hoàn thiện động tác và lấy lại sự tự tin để thi đấu tốt nhất.
– Cảm ơn Ánh Nguyệt và chúc bạn đạt được mục tiêu ở Olympic Paris 2024.
Hot girl of the month – Mang đến những câu chuyện chưa kể, những hình ảnh hoàn toàn mới về những người đẹp thể thao nổi tiếng Việt Nam và quốc tế.
Picks and Pick'em is here!
More teams, more wins. Join a public league and draft instantly.