Hot girl của tháng: Tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Thùy Linh: 'Thời gian không chờ đợi ai'
Chuyên mục Hot girl of the month của Mansion Sports lần này gọi tên Nguyễn Thùy Linh. Cô nàng sinh năm 1997 là tay vợt cầu lông số 1 Việt Nam, xếp hạng 26 thế giới và sắp đại diện cho thể thao nước nhà tranh tài tại Olympic – lần thứ hai trong sự nghiệp.
Một nụ cười hãnh diện và tự tin thoáng qua trên gương mặt Thùy Linh khi nghe những lời giới thiệu này.
“Mình vui vì công sức cống hiến cũng như sự cố gắng của mình đã được đền đáp”, tay vợt 27 tuổi mở đầu cuộc phỏng vấn.
Olympic lần thứ hai
[Mansion Sports] Chúc mừng Nguyễn Thùy Linh lần thứ hai dự Olympic. Cách đây 3 năm, bạn đã đặt chân đến Thế vận hội lần đầu tiên. Ký ức về giải đấu đó còn lại gì trong bạn?
[Nguyễn Thùy Linh] Kỳ Olympic trước của mình rất đặc biệt. Thời điểm đó, dịch COVID-19 đang diễn ra rất phức tạp. Đó là kỳ Olympic đáng nhớ. Mình đã trải qua khoảng gần một năm không thi đấu nước ngoài, do tình hình dịch căng thẳng. Mình chỉ tập luyện ở đội tuyển quốc gia và việc đến được Olympic năm ấy là thành tích ngoài mong đợi.
Không thể đi sâu hơn, mình cũng khá là tiếc nuối. Nhưng, đối thủ của mình ở vòng bảng khi ấy là tay vợt số 2 thế giới. Quá mạnh! Mình cảm thấy vui nhiều hơn, vì đã thi đấu hết sức, đã học hỏi được rất nhiều từ trận đấu đó.
Thi đấu ở Olympic rất khó, thậm chí chưa đánh đã biết không có cửa lấy huy chương. Trong suy nghĩ của Thùy Linh, nếu huy chương đã ở ngoài tầm với, bạn đến Olympic để làm gì?
Để đến được Olympic, mình đã trải qua một thời gian dài luyện tập và thi đấu tích lũy điểm. Dĩ nhiên, Olympic là đấu trường rất lớn và khó cạnh tranh huy chương. Nhưng, dự Olympic cũng đã là giấc mơ mà mọi vận động viên trên thế giới ao ước. Mình chỉ nghĩ về màu cờ sắc áo, cho dù thắng hay thua.
Mình tin rằng đối với mỗi vận động viên thì việc tham dự Olympic đã là điều rất tuyệt vời rồi. Cá nhân mình, khi được mang lá cờ Tổ quốc đến sân chơi quốc tế, để mọi người biết rằng mình đến từ Việt Nam đã là điều tuyệt nhất.
Cho dù đối thủ là ai chăng nữa, mình vẫn sẽ chiến đấu, để họ không bao giờ có suy nghĩ rằng có thể dễ dàng thắng được mình. Ngoài ra, mình vẫn luôn mang suy nghĩ rằng sẽ học hỏi và tiếp tục phát triển bản thân, sẽ cố gắng đến khi nào dừng sự nghiệp mới thôi.
Ngôi sao 3 trong 1
Truyền thông và mạng xã hội từng nhắc đến Thùy Linh với câu chuyện một thân một mình thi đấu ở nước ngoài.
Vận động viên nước mình không so bì với nước khác về kinh phí được. Một năm mình thi đấu khoảng 20 giải quốc tế và các nước mình đến thì đều thuộc diện đắt đỏ. Việc không đủ kinh phí cho huấn luyện viên, chuyên gia, bác sĩ đi cùng thì mình hoàn toàn hiểu được. Mình nghĩ rằng tất cả mọi người đã chấp nhận hy sinh, ở nhà theo dõi mình thi đấu để mà dồn kinh phí cho mình đến được Olympic.
Chẳng riêng vận động viên, các huấn luyện viên hay bất cứ ai trong tập luyện, thi đấu cũng đều muốn được đi cọ xát, học hỏi, trực tiếp trải qua cuộc hành trình. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn có được điều đó.
Dù đi thi đấu chỉ có một mình nhưng Linh không bao giờ cảm thấy cô đơn. Mình biết vẫn có rất nhiều người dõi theo mình từ phía sau và mình sẽ không bao giờ bị bỏ rơi cả. Ngoài ra, các bạn ở nước ngoài nhìn vào mình sẽ càng nể hơn.
Thi đấu một mình tức là vừa làm vận động viên, vừa làm huấn luyện viên, vừa làm quản lý. Linh đã trải nghiệm công việc 3 trong 1 ấy thế nào?
Nếu mà nói là dễ dàng thì là nói dối. Một mình đi thi đấu, phải di chuyển rất nhiều với đầy những trang bị, dụng cụ, cả thuốc và những thứ khác liên quan đến hồi phục nữa. Mình cũng phải đi họp trưởng đoàn, phải làm rất là nhiều nhiệm vụ của một lúc. Có những lúc mình cảm thấy bản thân bị quá tải khi phải cáng đáng quá nhiều thứ trong cùng một lúc.
Dù thế, mình luôn suy nghĩ tích tích cực. Mình gạt những thứ đó đi để tập trung vào thi đấu. Phải đi tiếp chặng đường của mình. Đó mới là điều quan trọng.
Có một lần mình đi du đấu 5 giải liên tiếp, sống ở châu Âu gần 6 tuần chỉ có một mình. Liên tục di chuyển, thay đổi múi giờ và thời tiết làm cho thể trạng của mình rất mệt mỏi. Ngoài ra, khi ở một mình lâu như thế, mình cũng cảm thấy hơi cô đơn chút xíu thôi.
Hot girl bóng chuyền Nguyệt Anh: Cô nàng genZ mạnh mẽ vượt qua thách thức, khám phá bản thân
Đầy thách thức, nhưng những chuyến đi ấy cho Thùy Linh rất nhiều trải nghiệm để trưởng thành hơn.
Mình thấy bản thân đã trưởng thành hơn. Mình đã có thể làm mọi thứ một mình. Thế rồi khi trở về Việt Nam với đồng đội, huấn luyện viên, gia đình, bạn bè, mình lại càng trân trọng những giây phút ở bên mọi người hơn. Mình cảm thấy tất cả những trải nghiệm đều quý giá và mang cho mình những kinh nghiệm, bài học nào đó.
Điều gì tạo nên sự mạnh mẽ ở Thùy Linh, để bạn có thể đương đầu với những khó khăn ấy?
Mình đã vấp ngã nhiều lắm. Mỗi lần như vậy, mình thấy rằng bản thân chỉ có một con đường là đứng lên và đi thôi. Mình chấp nhận đi lên, chấp nhận sự thật rằng mình đã ngã rồi mới đứng dậy. Nhiều lần như thế đã tôi luyện cho mình một suy nghĩ rằng “không sao đâu, mọi chuyện rồi sẽ qua”. Tất cả những chuyện xảy ra với mình đều là bài học và mình sẽ vượt qua được.
Cú ngã đau nhất của mình là khi thất bại ở SEA Games, hay khoảng năm 17 tuổi mình có thành tích không tốt ở giải trong nước. Linh từng có suy nghĩ sẽ bỏ cuộc, đã nghi ngờ vào khả năng của mình. Bây giờ nghĩ lại thì đó là cú ngã mà mình sẽ rất khó quên.
Lời hứa trước di ảnh của mẹ
Thùy Linh bắt đầu tập cầu lông thế nào?
Mình đến với cầu lông năm 10 tuổi. Con đường chuyên nghiệp của mình bắt đầu năm 14 tuổi. Song song với đó, mình đã học hết cấp ba và đại học, hiện đang học cao học tại trường Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn, Bắc Ninh.
Thời gian vừa đi học vừa tập cầu lông khá vất vả. Khi ấy mình đang học cấp 2. Mỗi ngày mình sẽ đi học vào buổi sáng và đi tập buổi chiều. Lên cấp 3 thì mình tập cả sáng chiều và tối đi học.
Mình vẫn nhớ đó là những ngày rất mệt. Mình đã tập luyện cả ngày rồi về lại vội tắm xong ăn nhanh để đến trường đi học. Đến 9h30 tối về nhà vệ sinh cá nhân rồi đi ngủ, hôm sau lại bắt đầu như vậy. Suốt cả tuần, mình chỉ nghỉ ngơi trọn vẹn được ngày Chủ nhật thôi.
Đó là khoảng thời gian mà bây giờ nghĩ lại Linh vẫn còn sợ.
Cây vợt đầu tiên mà Linh sử dụng có giá bao nhiêu?
4,5 triệu đồng.
Đó là khoản đầu tư rất lớn cho một cô bé mới 10 tuổi?
Cây vợt đầu tiên của mình do người Nhật Bản tặng. Sau đó, khi không còn tập ở Hà Nội và về quê, ông ngoại mua luôn cây vợt như vậy cho mình. Ông nhờ người nhà mua ở bên Nhật, sau đó gửi về Việt Nam.
Mình rất biết ơn ông ngoại. Có ông ngoại thì mới có mình hôm nay.
Mình cảm thấy bản thân rất may mắn. Gia đình mình không hẳn là có điều kiện lắm đâu, nhưng mọi người vẫn luôn dành mọi thứ tốt nhất cho mình.
Đến tận thời điểm bây giờ, khi mà mình lớn như thế này rồi, gia đình vẫn luôn luôn ở phía sau hỗ trợ, là chỗ dựa vững chắc cho mình.
Trong một lần phỏng vấn trước đây, Thùy Linh từng nhắc đến lời hứa với mẹ.
Mẹ mình mất năm mình 12 tuổi. Sau đó 2 năm, mình trở lại với cầu lông. Đội tuyển trẻ quốc gia muốn mình quay lại, nhưng bản thân mình và gia đình rất phân vân. Đó không phải ước nguyện của mẹ khi còn sống.
Sau đó mình nói chuyện với ông ngoại và khẳng định sẽ cố gắng để thành công. Mình hứa sẽ tự chịu trách nhiệm cho tương lai của mình. Mình chưa phải là thành công lắm, nhưng sự nghiệp chắc là tạm ổn để đứng trước di ảnh của mẹ và nói rằng con đã thực hiện được lời hứa.
Hạnh phúc là trân trọng những gì mình có
Thùy Linh có ước mơ gì – ngoài cầu lông – vẫn còn “treo” ở đó, chờ tương lai sẽ thực hiện?
Mình là người sống khá đơn giản, hài lòng với những gì bản thân đang có. Mình chỉ có một nguyện vọng, một mong muốn là mỗi ngày thức dậy, bà ngoại, bố, em và những người thân xung quanh của mình, bạn bè của mình đều bình an khỏe mạnh. Chỉ điều đó thôi đã làm mình thấy hạnh phúc rồi.
À, dĩ nhiên là cả mình cũng khỏe mạnh nữa. Đó là điều ước của mình mỗi ngày. Mình hạnh phúc với điều đó. Mình luôn biết ơn, biết hài lòng, biết đủ, luôn trân trọng và hạnh phúc với những gì mình có.
> Xem thêm
Thùy Linh sinh năm 1997 – lứa tuổi vẫn được gọi là giao thoa giữa thế hệ gen Z và 9x. Tính cách của bạn có đặc trưng gì của cả 2 nhóm tuổi không?
Mình không hẳn là trẻ, cũng chưa quá già. Mình trộn lẫn giữa tính cách gen Z và 9x. Mình cá tính đấy, nhưng cũng có lúc sâu sắc.
Mình rất sợ già. Chính vì vậy, hằng năm mình luôn luôn nhắc nhở bản thân là phải thử những thứ mà gen Z bây giờ họ đang làm. Phải làm thế để biết là mình chưa già.
Dù vậy, ở một góc độ khác, mình biết là bản thân không còn quá trẻ nữa. Mình phải thiết lập tương lai cho chính mình để sau này không bị bỡ ngỡ, không phải lo lắng khi mọi thứ xảy đến.
Phần lớn thời gian tuổi trẻ và thanh xuân của mình được dành cho thể thao. Mình đã cống hiến cho thể thao và không có thời gian cho gia đình, cho bản thân.
Khi kết thúc sự nghiệp, mình sẽ dành nhiều thời gian hơn cho những người thân yêu. Mình cũng có thể học thêm thứ gì đó mới mẻ để khám phá, thử thách thêm bản thân.
Thùy Linh ngoài đời có gì khác Thùy Linh mạnh mẽ, gai góc trên sân đấu?
Mình cũng khá là thời trang đấy. Mình thích đi shopping, ăn uống, tụ tập bạn bè. Mình tự thấy bản thân thích tận hưởng cuộc sống.
Thời gian tập trung cao độ cho luyện tập gần như là xuyên suốt quanh năm. Mình không có nhiều thời gian cho việc gặp gỡ bạn bè hay đi chơi, chỉ vào dịp cuối năm, gần Tết.
Bình thường, ngoài tập luyện thì mình dành thời gian hồi phục và học thêm tiếng Anh. Mình cũng thích học thêm những thứ gì đó mà bản thân cảm thấy thiếu.
Nếu không đánh cầu lông, Thùy Linh sẽ làm gì?
Mình sẽ là một người bình thường, làm công việc bình thường, một người bạn bình thường với tất cả mọi người.
Facebook của Linh có một status như thế này: Để có được những nụ cười rực rỡ là hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ mỗi ngày. Câu này có ý nghĩa ra sao đối với bạn?
Đấy là câu nói mình muốn dành cho tất cả mọi người đọc được, những ai đang có cảm xúc tiêu cực, đang lạc lối. Đối với mình, có một câu tâm đắc nhất là “Thời gian không chờ đợi ai”.
Mình không bao giờ muốn lãng phí thời gian của mình, bất cứ một giây phút nào.
Cảm ơn Nguyễn Thùy Linh với câu chuyện nghề, chuyện đời rất thú vị.
Picks and Pick'em is here!
More teams, more wins. Join a public league and draft instantly.