Lý do Việt Nam trắng tay ở Olympic: Nhìn Thái Lan, Indonesia mà buồn

Ý Yên

August 09, 2024 · 6 min read

Lý do Việt Nam trắng tay ở Olympic: Nhìn Thái Lan, Indonesia mà buồn
Thể Thao Khác | August 09, 2024

Đoàn thể thao Việt Nam chính thức trắng tay ở Olympic Paris 2024. Đây là kỳ Thế vận hội thứ hai liên tiếp các vận động viên Việt Nam không giành được huy chương.

Bước vào Olympic Paris 2024, đoàn thể thao Việt Nam có 16 vận động viên tham dự. Trong đó, 14 vận động viên đạt chuẩn và 2 vận động viên tham dự với suất đặc cách.

Ở khoảnh khắc chia tay, người hâm mộ vẫn chưa hết buồn khi Trịnh Văn Vinh cử buông tạ ngã xuống sàn, rời cuộc chơi trong sự bất lực và nỗi thất vọng tràn trề. Đây cũng chính là hình ảnh của thể thao Việt Nam ở sân chơi Thế vận hội.

Lần gần nhất thể thao Việt Nam có huy chương Olympic là năm 2016 với kỳ tích 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Sau đó, chúng ta trải qua 2 kỳ Thế vận hội liên tiếp trắng tay dù vẫn đứng đầu bảng SEA Games.

Thực ra, điều đó không bất ngờ nếu nhìn vào danh sách chi tiết các vận động viên Việt Nam dự Olympic.

Vận động viên Việt Nam top mấy thế giới?

Bước vào Olympic Paris 2024, đoàn Việt Nam có 16 vận động viên. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất một người trong số đó thuộc top 10 bảng xếp hạng thế giới ở nội dung tương ứng. Đó là Trịnh Văn Vinh (cử tạ), xếp hạng 6. Tuy nhiên, Olympic 2024 lại là giải đấu mà Trịnh Văn Vinh không ở trạng thái tốt nhất. Anh chỉ vừa bình phục chấn thương trước ngày lên đường sang Pháp.

Tháng 2/2023, Văn Vinh chính thức ở lại. Chỉ trong vòng 6 tháng, anh đã lấy lại phong độ để đứng thứ 8 tại giải vô địch thế giới và thứ 6 tại ASIAD 2019. Đến World Cup cử tạ 2024, anh có thông số rất tốt với mức tổng cử 294kg. Tuy nhiên, đến cuối cùng áp lực thành tích cùng nỗi ám ảnh về chấn thương khiến đô cử quê Bắc Ninh không đạt điểm rơi phong độ.

Nguyễn Thùy Linh cầu lông bước vào Olympic không mấy suôn sẻ. Dù cô đã cố gắng lựa chọn những giải đấu vừa sức để rèn luyện nhưng lại không có phong độ tốt.

Thực tế, so với trình độ Đông Nam Á, Thùy Linh vẫn chưa phải tay vợt xuất sắc. Thứ hạng cao nhất Thùy Linh từng đạt được trên bảng xếp hạng BWF (Liên đoàn cầu lông thế giới) là hạng 20. Sau Olympic, cô tụt xuống vị trí 24, hiện đã xếp dưới 7 tay vợt khác của khu vực Đông Nam Á.

Nguyễn Thùy Linh cầu lông Olympic

Ở Olympic, Thùy Linh chỉ thắng 1 trận và thua ở trận thứ 2 rồi chia tay Olympic. Thực tế, nếu vượt qua đối thủ Mỹ ở vòng loại cô cũng khó có cơ hội đi tiếp với đối thủ ở vòng tiếp theo là tay vợt hạng 3 thế giới.

Một tay vợt khác của Việt Nam tham dự Olympic là Lê Đức Phát. Tay vợt sinh năm 1998 đã có bước tiến vượt bậc so với bản thân. Tuy nhiên, Lê Đức Phát chỉ xếp hạng 71 thế giới và chẳng thể tiến sâu.

Ở tuổi 34, Phạm Thị Huệ cũng có nỗ lực đáng khen khi vào đến tứ kết rowing Olympic. Phạm Thị Huệ là một trong những vận động viên rowing xuất sắc của Việt Nam hiện nay khi từng giành hai Huy chương bạc ASIAD 2013, sáu Huy chương vàng SEA Games. Nhưng ở đấu trường thế giới, tuổi tác và trình độ (xếp hạng 24 thế giới) khiến tay chèo này khó có thể giành vé đi xa hơn.

Hoàng Thị Tình (judo) “vô đối” ở Đông Nam Á nhưng cô chỉ xếp thứ 98 thế giới theo IJF (Liên đoàn Judo quốc tế). Cô sớm rời giải chỉ sau 5 phút chung sân đấu với Oumaima Bedioui (Tunisia).

Các vận động viên còn lại cũng ở rất xa nhóm đẳng cấp hàng đầu thế giới như Nguyễn Huy Hoàng, Võ Thị Mỹ Tiên (bơi), Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh (boxing), Lê Quốc Phong và Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Trần Thị Nhi Yến (diền kinh), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng)…

Trịnh Thu Vinh là điểm sáng hiếm hoi của thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024. Sau giải đấu, cô chính thức lọt vào top 10 thế giới. Dù vậy, ngay cả khi có phong độ xuất sắc vượt bậc, Trịnh Thu Vinh vẫn không thể có huy chương khi các đối thủ vẫn vượt trội về trình độ.

Vì sao Việt Nam “trắng tay” ở Olympic?

Đầu tiên phải kể đến số lượng VĐV tham dự Olympic. Thái Lan có tới 51 VĐV, Indonesia 29, Malaysia 26, Philippines 22. Việt Nam chỉ đứng thứ 6 khu vực Đông Nam Á về số đại diện góp mặt tại Thế vận hội 2024 với 16 vận động viên. Con số này chỉ hơn các quốc gia Timor Leste, Lào (4), Brunei, Campuchia (3) và Myanmar (2).

Thứ hai, khác với Việt Nam các nước Thái Lan, Philippines đều có những vận động viên đẳng cấp thế giới. Với Thái Lan, họ có niềm tự hào taekwondo Panipak Wongpattanakit 2 kỳ liên tiếp giành huy chương vàng hạng cân 49kg. Ngoài ra, họ có Kunlavut Vitidsarn xếp hạng 4 cầu lông đơn nam thế giới. Tay vợt này giành huy chương bạc Olympic 2024, chỉ thua “đại đế” Victor Axelsen (Đan Mạch) ở chung kết.

Giống Thái Lan, Philippines cũng có những môn trọng tâm như boxing. Ở một môn khác không phải thế mạnh truyền thống là thể dục, Philippines lại sở hữu ngôi sao Carlos Yulo. Vận động viên này đã vô địch thế giới và ASIAD trước khi giành 2 huy chương vàng ở Olympic 2024.

Trong khi đó, Việt Nam không có vận động viên nào ở đẳng cấp như vậy. Những môn thế mạnh của Việt Nam thì lại chỉ “vô đối” trong khu vực Đông Nam Á. Ra đấu trường Olympic, cấp độ cạnh tranh cao hơn gấp nhiều lần khi gặp phải các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia…