Olympic Paris 2024 mới diễn ra chưa đầy một tuần nhưng dấu ấn mà nước chủ nhà tạo ra trên truyền thông quốc tế lại là những sự cố và tai tiếng.
Chủ nhà Pháp từng tuyên bố tạo ra kỳ Thế vận hội đáng nhớ nhất lịch sử. Đến bây giờ, dấu ấn của sự kiện thể thao lớn nhất thế giới diễn ra tại Paris lại đến từ những tai tiếng, những sự cố và các chi tiết khôi hài cả trong lẫn ngoài chuyên môn.
Lần đầu tiên trong lịch sử, lễ khai mạc Olympic được diễn ra trên một con sông. Về mặt ý tưởng, đây là một trong những điểm nhấn được chờ đợi và quả thực đã tạo ra cảm giác mới lạ. Tuy nhiên, chỉ nhiêu đó không đủ để lấn át được những ấn tượng xấu.
Rất nhiều hâm mộ cho rằng chủ nhà đã chọn cách rườm rà nhất có thể. Tổng thời lượng lễ khai mạc lên kéo dài lê thê gần 4 tiếng.
Chưa dừng ở đó, chủ nhà còn hứng chịu nhiều chỉ trích về màn biểu diễn trong buổi lễ khai mạc Olympic. Những tai tiếng kéo theo khiến ban tổ chức buộc phải… xóa toàn bộ các video về sự kiện này trên các kênh truyền thông của Thế vận hội. Đồng thời, họ cũng phải gửi lời xin lỗi những người theo Công giáo và Thiên chúa giáo.
Lý do dẫn đến làn sóng phản đối này là những màn trình diễn phản cảm, phi thẩm mĩ và… xúc phạm người xem. Dường như nhà tổ chức muốn đề cao các thông điệp về xã hội, giới tính. Tuy nhiên, hình thức thể hiện của chương trình lại quá tệ hại, đặc biệt là khi các diễn viên tái hiện bức tranh “Bữa ăn tối cuối cùng” của danh họa Leonardo da Vinci.
Phát ngôn viên của ban tổ chức Olympic 2024, Anne Descamps cho biết: “Chúng tôi không xúc phạm bất kỳ tôn giáo nào. Olympic chỉ muốn cố gắng tôn vinh sự khoan dung, lòng vị tha của cộng đồng. Nếu mọi người cảm thấy bị xúc phạm, chúng tôi thực sự xin lỗi”.
Ngoài màn trình diễn gây phẫn nộ, ban tổ chức còn thể hiện sự thiếu chỉn chu một cách trầm trọng. Họ mắc hàng loạt lỗi sơ đẳng khác như treo ngược cờ Thế vận hội, gọi đoàn Thể thao Hàn Quốc là “những vận động viên đến từ Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên”, thậm chí phát nhầm quốc ca của đội bóng rổ Nam Sudan ngay trước giờ thi đấu.
Làng vận động viên của Pháp không trang bị điều hoà ở cả phòng lẫn phương tiện di chuyển với mục tiêu vì một kỳ Olympic xanh nhất lịch sử. Ban tổ chức Thế vận hội vẫn nhấn mạnh thông điệp này khi bị phàn nàn. Họ khẳng định hệ thống làm mát bằng nước dưới lòng đất đủ để tạo ra bầu không khí dễ chịu. Tuy nhiên, thực tế không như những gì nước chủ nhà vẽ ra bằng thông điệp “sống xanh”.
Cuối cùng, tuy không trang bị điều hoà nhưng ban tổ chức cho phép các đoàn VĐV các nước thuê điều hòa di động, hoặc tự lắp điều hòa ở làng Olympic nhưng phải trả mọi chi phí. Thời tiết oi bức khiến nhiều đoàn thể thao phải “kêu trời”, trong đó có đoàn Thái Lan. Hệ quả là dù chủ nhà không lắp điều hòa nhưng các đoàn thể thao vẫn buộc phải trang bị các thiết bị làm mát đủ loại, nên chẳng “sống xanh” hơn là bao.
Đó là chưa kể tình trạng thiếu đồ ăn, đồ ăn không đạt chuẩn liên tục xuất hiện tại các nhà ăn tại làng Olympic. Chủ nhà Pháp đã ký hợp đồng với một tập đoàn cung cấp 600 tấn thức ăn tươi sống để phục vụ hơn 10.000 vận động viên nhưng lại thiếu trứng, món ăn cần thiết đối với những người tập thể thao. Đây là nguồn cung cấp protein chủ yếu, bên cạnh thịt, cá.
Tại Olympic 2024, các VĐV chỉ được sử dụng trứng vào bữa sáng ngày thứ tư. Nguyên nhân là làng Olympic đang thiếu loại thực phẩm này.
Ngoài ra, các vận động viên Vương quốc Anh còn phàn nàn về việc phải ăn thịt sống và nhiều món ăn “quái đản”. Họ đã phải mang hàng chục đầu bếp riêng đến Paris,đ đồng thời lập luôn một nhà ăn mới, cách làng Olympic 15 phút lái xe để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho vận động viên.
Hôm 28/7, các VĐV tại làng Olympic còn bị sốc khi chứng kiến cái chết của HLV quyền anh của đoàn thể thao Samoa, Lionel Elika Fatupaito. Vị HLV này qua đời sau một cơn đau tim.
Dòng sông biểu tượng của thành phố Paris trên thực tế không hề giống chút nào với những gì được quảng cáo trước thềm Olympic. Tình trạng ô nhiễm của sông Seine đã được truyền thông quốc tế cảnh báo trong một thời gian dài trước khi Thế vận hội diễn ra.
Một số tờ báo Anh cho biết các vận động viên xứ sương mù phải chuẩn bị một số biện pháp để tránh bị nhiễm khuẩn khi tham gia thi đấu trong làn nước của sông Seine. Thậm chí, có vận động viên còn dùng… Cocacola để khử khuẩn.
Ngay sau ngày khai mạc, một buổi tập chính thức của nội dung bơi, bộ môn triathlon (3 môn phối hợp) đã bị hủy bỏ do chỉ số ô nhiễm của sông tăng cao. Vận động viên Seth Rider của Mỹ sợ nước sông Seine đến mức để chuẩn bị cho Olympic Paris 2024, anh đã tập thói quen… không rửa tay sau khi đi vệ sinh.
Ngay những ngày đầu thi đấu, Olympic đã gây chú ý, không phải vì những màn thể hiện đỉnh cao của các đoàn thể thao mà bởi vụ bê bối được truyền thông thế giới đồng loạt dùng từ “chưa từng có” hay “khó tin” để miêu tả.
Ở trận đấu giữa Olympic Argentina và Morocco, trọng tài cho bù giờ hiệp hai đến 15 phút. Đến phút 90+16, Argentina có bàn gỡ hòa 2-2 nhờ công của Medina. Sau khi Morocco thủng lưới, cổ động viên của đội tuyển châu Phi ném vật thể lạ xuống sân để phản đối. Cầu thủ Argentina suýt trúng một quả pháo sáng vào đầu.
Trọng tài ra hiệu dừng trận đấu. Cầu thủ hai đội cho rằng trận đấu đã kết thúc nên vào phòng thay đồ nghỉ ngơi.
Gần 2 tiếng sau, ban tổ chức Olympic thông báo tước bàn thắng của Argentina vì lỗi việt vị. Đồng thời, 2 đội được yêu cầu trở lại sân thi đấu thêm 3 phút “bù giờ của bù giờ”. Argentina thua trận này và đương nhiên họ không hài lòng.
Sự cố khó tin này khiến huấn luyện viên Javier Mascherano nổi giận. Ông gọi Olympic là một “gánh xiếc”. Ngay cả chủ nhân huy chương vàng bóng đá nam Olympic 2008, Lionel Messi cũng phải thốt lên “Không thể tin được”. Huấn luyện viên Javier Mascherano thậm chí còn tố rằng một cầu thủ của Argentina là Thiago Almada bị trộm sạch tư trang giữa ban ngày ban mặt.
Không chỉ có bóng đá nam, bóng đá nữ cũng chứng kiến vụ scandal khiến tuyển Canada chịu án phạt nặng từ FIFA. Hôm 22/7, một chiếc flycam bị phát hiện do thám buổi tập luyện của tuyển bóng đá nữ New Zealand. Người điều khiển chiếc flycam lập tức bị bắt giữ và được xác định là “thành viên đội bóng đá nữ Canada”. 2 thành viên ban huấn luyện đội nữ Canada nhanh chóng bị trục xuất về nước, còn HLV trưởng Priestman bị tước quyền chỉ đạo.
Ngay sau đó, FIFA tiếp tục ra phán quyết trừ tuyển nữ Canada 6 điểm ở bộ môn bóng đá nữ Olympic Paris, đồng thời buộc Liên đoàn Bóng đá Canada (CSF) nột phạt 200.000 franc Thụy Sĩ (226.000 USD). Ngoài ra, HLV Bev Priestman bị cấm tham gia mọi hoạt động bóng đá trong vòng một năm.
Án phạt của FIFA biến tuyển nữ Canada trở thành đội đầu tiên trong lịch sử có điểm số âm (-3) ở vòng bảng môn bóng đá nữ Thế vận hội.
Nhận định bóng đá Sydney FC đấu với Western Sydney: Soi tỷ lệ, số liệu…
Nhận định bóng đá Brisbane Roar đấu với Adelaide United: Soi tỷ lệ, số liệu…
Học viện bóng đá quốc tế Park Hang-seo tiếp tục tạo sân chơi cho các…
Dù đã hợp tác với YouTuber số một thế giới, Cristiano Ronaldo vẫn phải nhận…
Công Phượng tiếp tục thăng hoa ở giải Hạng Nhất nhưng vẫn không được HLV…
Số liệu thống kê trận Gangwon đấu với Pohang Steelers: Soi tỷ lệ bóng đá,…
View Comments